Tiếng nói Công giáo đào tạo giáo dân trình bày trước truyền thông

186

fr.aleteia.org, Clémence Lescuyer, 2017-01-17

Tiếng nói Công giáo đào tạo giáo dân để giáo dân có thể trình bày trước truyền thông

Bạn không còn sợ làm chứng cho đức tin của mình!

Bạn có biết sợ máy cà-phê là gì không? Không phải sợ chính cái máy, nó tương đối vô hại, nhưng sợ các câu chuyện quanh cái máy, trong trường đại học, trong các văn phòng… Các chủ đề thời sự người này người kia bàn tán và rồi cuối cùng quay qua tranh luận về chuyện mà mọi người đều đồng ý, kiểu: “Đó, lại nghe nói về Giáo hội, thể chế lỗi thời-ghét đàn bà-tách rời thực tế-tín điều-thích giữ bí mật”.

Tránh tranh luận

Là người công giáo, tôi không đặc biệt quan tâm đến các tranh luận về ý tưởng, nó có nguy cơ dẫn đến mọi người tấn công một người, kiểu ai cũng đồng ý về chuyện này, khi đó tôi chỉ muốn quay gót. Ngắn gọn, tôi không thích máy cà-phê, và cho đến một ngày gần đây, tôi còn sợ mọi tranh luận nhóm chung quanh chuyện Vatican và các chuyện làm không tốt của Vatican.

Đào tạo các giáo dân để họ biết lên tiếng

Đó là trước khi tôi biết đến Tiếng nói Công giáo (CathoVoice). Khi nghe nói đến sáng kiến này, sáng kiến đào tạo giáo dân biết lên tiếng trước truyền thông, để làm chứng trong vai trò là người công giáo về các vấn đề thời sự, trước hết đã gợi lên trong tôi các lo lắng: trình bày không những trước một nhóm bạn đồng nhóm, nhưng lại trình bày trước một đám đông mình không biết, và trước sự hung hăng của các ký giả mà ai cũng biết họ chống Giáo hội mãnh liệt? Không, cám ơn, không có tôi!

Nhưng tôi cũng phải thú nhận, cứ mỗi lần tôi áp dụng chiến thuật tránh né, tuy tôi thở phào lúc đó nhưng sau đó tôi lại cảm thấy không hài lòng. Rốt cuộc, ích gì “là muối, là ánh sáng cho thế gian này” nếu che giấu sự thật, nếu trốn máy vi âm, nếu không muốn thảo luận đến cùng các chuyện tranh cãi chống Giáo hội? Tôi, người muốn đức tin thấm vào trọn cuộc sống của tôi và tôi có thể nói với những người công giáo khác, rằng tôi hạnh phúc được rửa tội biết chừng nào, tại sao tôi lại giữ những điều này trong vòng hạn hẹp của tôi?

Học để có được lập luận

Được dẫn dắt bởi các suy tư này và do một thúc đẩy cá nhân, tôi gia nhập vào tổ chức Tiếng nói Công giáo. Tôi khẳng định rằng, tất cả những người tấn công Giáo hội, Vatican và người công giáo, mình không được xem họ là kẻ thù. Ngược lại, họ có một hình ảnh xiêng xẹo về Giáo hội, một “khuôn khổ xấu”, một lời sáo rỗng rất dễ để nhận ra.

Chứng tỏ mình có thể chia sẻ các thiện ý với người đối thoại là đã có một bước đầu giúp để lắng nghe. Phần còn lại là duy trì thông tin thời sự, cố gắng để làm cho họ hiểu đức tin: Tiếng nói Công giáo kích thích sự quan tâm của tôi về nhiều vấn đề tôi phải đào sâu. Làm việc với một chủ đề là cùng đào tạo với người khác. Trong lớp đào tạo, mỗi người học để hình thành tốt hơn các lập luận của mình; và cũng phải học để biết, tất cả mọi chuyện phải dựa trên lời cầu nguyện.

Nói về nạn ấu dâm trong Giáo hội không bao giờ là một đề tài tôi muốn bàn, nhưng nó cần thiết để người công giáo biết niềm vui mình được cứu, không trốn chạy các chủ đề mình không quan tâm đến nó đầu tiên. Còn những dịp để nói lên các chủ đề tích cực của Giáo hội thì rất nhiều. Trả lời cho nhu cầu hiểu biết, “nói về đức tin mà không lên giọng”, đối với tôi, là hiểu chỉ có một mình Chúa mới có thể thay đổi tâm hồn, và theo chừng mực của tôi, đó là góp phần mang đến một hình ảnh tốt hơn cho Giáo hội. Như vậy thì đừng tránh máy cà-phê!

Về tác giả Clémence Lescuyer:

Cô Lescuyer là sinh viên trường Chartes, tháng 5-2016, cô gia nhập Tiếng nói Công giáo. Cô đã lên làn sóng ba lần, một lần trên làn sóng của Đài Phát thanh Công giáo Pháp (RCF) và hai lần trên Đài Phát thanh Pháp (RFI).

Về Tiếng nói Công giáo:

Tổ chức Tiếng nói Công giáo được thành lập vào tháng 5-2016, tổ chức có nhiệm vụ đào tạo và lên chương trình cho truyền thông, cho giáo dân công giáo để họ có thể bình luận về thời sự của Giáo hội. Các điều phối viên sẽ đào tạo một khóa thứ nhì vào mùa xuân năm 2017.

Giuse Nguyễn Tùng Lâm chuyển dịch