Ở Bangui, Trung Phi, Đức Phanxicô đã được người hồi giáo hoan hô nhiệt liệt

502

lefigaro.fr, Arthur Danah, 2015-12-01

Đức Phanxicô được hồi giáo hoan hô nhiệt liệt

Tại nguyện đường trung ương, Đức Phanxicô tái khẳng định, tôn giáo không được là công cụ cho các mục tiêu chính trị.

Cách đây ba ngày, không một ai ở Bangui có thể tin điều này có thể xảy ra được. Hàng ngàn người tụ họp ở khu phố PK5, một khu phố của người hồi giáo, họ chạy theo xe Đức Giáo hoàng, ngài chào họ với nụ cười trên môi. Đức Phanxicô đã thực hiện lời hứa đi Trung Phi của mình, trọng điểm chuyến đi Phi Châu của ngài. Ở nguyện đường trung ương, mọi người đã chuẩn bị cho sự kiện này từ nhiều tuần trước. Các băng rôn “Chào mừng Đức Giáo hoàng” đã được treo lên nhưng không ai chắc ngài có đến được không. Từ vài tuần nay, dân trong khu vực PK5 bị bao vây. Các lực lượng Chống-Balaka (dân quân tự vệ đa số là tín hữu Kitô và người thờ súc vật) chận các ngả đường vào khu phố, họ cố ý bóp nghẹt đời sống người dân ở đây mà cả lực lượng Liên Hiệp Quốc cũng như chính quyền không cách nào giải quyết được.

Trung Phi (2)Và sáng thứ hai, trong vòng ba mươi phút của chuyến viếng thăm, Đức Giáo hoàng đã làm một phép lạ. Ước mong cho phép lạ này được kéo dài. Con đường Boganda nối liền khu phố hồi giáo với trung tâm thành phố cách đây ba ngày là con đường không bóng người, thì sáng thứ hai, con đường này đông nghịt người. Người kitô giáo, người hồi giáo đều đi về một hướng: Sân vận động Barthélemy-Boganda nơi Đức Giáo hoàng sẽ dâng thánh lễ cuối cùng ở đất nước này. Người dân hôn nhau ngoài đường, bạn bè xa cách lâu ngày ôm nhau, nói chuyện ríu rít với nhau. Đâu đâu cũng là nụ cười trên môi trong bầu khí ngổn ngang ầm ĩ tiếng kèn xe, tiếng rít của các bánh xe.

Ở nguyện đường trung ương, Đức Phanxicô đã có một bài giảng ngắn: “Tôn giáo không được là công cụ cho các mục tiêu chính trị.” Ngài nhắc lại, điều cần thiết là phải giải hòa. Lời ngài nói đã trấn an và xoa dịu các cộng đoàn kitô giáo và hồi giáo. Mọi người đều khuyên ngài không nên đi chuyến đi này, nhất là nước Pháp, họ cho rằng Trung Phi “quá nguy hiểm”. Nhưng Đức Phanxicô vẫn cương quyết đi.

Pope Francis leaves the refugee camp of Saint Sauveur in the capital BanguiPhải nói là tất cả mọi biện pháp an ninh đều được huy động để bảo vệ Đức Giáo hoàng. Từ 5 giờ sáng khu phố đã được canh gác kỹ, hàng trăm lính mũ xanh của Liên Hiệp Quốc được trưng dụng, một vài người đứng canh trên các tháp của nguyện đường. Đức Phanxicô đến lúc 7 giờ 30 sáng với các cận vệ người Ý của ngài. Cơ quan Minusca, một cơ quan đặc trách ổn định tình hình ở Trung Phi của Liên Hiệp Quốc cho biết, an ninh được tăng cường thêm bởi một nhóm các nhân viên “đến từ New York, những người này thường đi bảo vệ cho các nhân vật cao cấp của Liên Hiệp Quốc”.

Theo lý thuyết, Đức Giáo hoàng có thể thu mình không lộ diện, nhưng đối với ngài, không có chuyện ngài xa giáo dân của mình, ngài muốn đến bắt tay, đến ôm giáo dân vào lòng. Như vậy, các cận vệ phải vui vẻ chịu may rủi. Cảnh các cận vệ mặc vét-tông, thắt cà-vạt, mang máy nghe nhỏ trên tai, chạy từng bước bên cạnh “xe giáo hoàng”, chung quanh mình là hàng ngàn giáo dân, cảnh này nhìn vào thì thật siêu hiện thực, không ai hình dung được.

Bà Maissatou, một người hồi giáo trong khu vực la lên: “Ngài đã giữ lời hứa, ngài đã đến đây!” Ông Ali Amadou khẳng định: “Người ta nghĩ Đức Giáo hoàng sẽ đến và sự hiện diện của ngài sẽ mở đầu cho một cuộc đối thoại. Nhưng thật ra ngài đã làm phép lạ ở đây hôm nay”. Nghe ông nói, một trong các người ở cạnh ông gật đầu đồng ý. “Đến giờ chót mọi người còn nghi. Nhưng ngài đã đến. Chúng ta có thể thoát ra khỏi tình trạng này.” Tất cả đều mong “phép lạ” được kéo dài. Kể cả Liên Hiệp Quốc và chính quyền, tất cả đều đặt rất nhiều hy vọng ở chuyến đi này của Đức Giáo hoàng, mong chuyến đi này sẽ khôi phục lại tiến trình giải hòa đã dậm chân tại chỗ từ các cuộc bạo lực vào cuối tháng 9 vừa qua, đã làm cho 77 người chết và 400 người bị thương.

Đức Phanxicô ở Trung phiNgày chúa nhật 29-11, Đức Phanxicô đã mở Cửa Thánh ở Nhà thờ Bangui, một cách để mở “tấm lòng của Chúa” ra cho người Trung Phi. Đức Tổng Giám mục Dieudonné Nzapalainga giải thích: “Ai bước qua cánh cửa này có thể hy vọng được tha thứ nếu họ ăn năn”. Và họ đến trước nhà thờ rất đông, bất chấp lệnh thiết quân luật ban hành từ mấy tháng nay. Giáo dân đã ở lại cầu nguyện đến sáng sớm hôm sau.

Sáng thứ hai, ở sân vận động “20 000 chỗ”, Đức Phanxicô, bên cạnh ngài là giáo chủ hồi giáo Kobine và Tổng Giám mục Nzapalainga đã cử hành thánh lễ cuối ở Trung Phi. Giáo chủ hồi giáo đã được cả sân vận động hoan hô nhiệt liệt đến tột độ, đám đông hô tên giáo chủ, nhấn từng chữ với chữ “hiệp nhất” là chữ trong khẩu hiệu quốc gia “Hiệp nhất, Phẩm giá, Lao động”. Hội trường đầy màu xanh lơ và xanh lục, màu sắc áo quần theo hình Đức Giáo hoàng và hội trường cũng chưa bao giờ đầy như vậy. Không một tiếng nói lạc điệu nào. Ngài ra về sau khi xin mọi người hô lên “Amen”. Ngài đã giữ lời hứa.

Marta An Nguyễn chuyển dịch