Điểm chung về môi trường xác nhận sự tương đồng giữa Giáo hoàng Phanxicô và Đức Bênêđictô

683

Crux – John L. Allen Jr. – 14-6-2015

Giáo hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI chào đón Giáo hoàng Phanxicô tại tu viện Mẹ Giáo hội ở Vatican, 23-12-2013
Giáo hoàng Danh Dự Bênêđictô XVI chào đón Giáo hoàng Phanxicô tại tu viện Mẹ Giáo hội ở Vatican, 23-12-2013

Trái ngược với các chuyện đồn đãi và truyền thông dựng lên, Giáo hoàng Phanxicô quá sức tương đồng với Đức Bênêđictô XVI hơn là khác biệt. Đức Phanxicô có thể được xem là ‘Bênêđictô đời thứ hai’, nghĩa là cùng một lập trường, nhưng được bổ sung thêm tính nồng hậu và dân túy, thay cho tính duy trí của bậc tiền nhiệm.

Tông thư về môi trường ‘Vinh danh Ngài’ [Laudato Si] sẽ ban hành vào ngày thứ năm này của Giáo hoàng Phanxicô, sẽ là bằng chứng mới nhất cho lập luận trên.

Trước hết, thật không thể nào mà nói rằng việc dấn thân đấu tranh với biến đổi khí hậu, cứu lấy các cánh rừng nguyên sinh, hay nói chung là bảo môi trường, lại là sự tách lìa với Đức Bênêđictô. Ngược lại, Đức Bênêđictô nổi tiếng là giáo hoàng đã cho đặt các tấm năng lượng mặt trời trên mái sảnh hội nghị Vatican, và ký một thỏa thuận đưa Vatican thành nước đầu tiên ở châu Âu cân bằng khí carbon, một trong những thể hiện cho lòng bận tâm lo cho môi sinh của ngài.

Trong bài nói chuyện với nghị viện Đức hồi 2011 – một bài diễn văn có lẽ có ý nghĩa với ngài hơn bất kỳ bài nào trong 8 năm trên ngai tòa Phêrô – Đức Bênêđictô đã nói rằng sự trỗi dậy của phong trào Xanh ở Đức hồi thập niên 1970 là ‘tiếng kêu cần không khí trong lành, một tiếng kêu không thể làm ngơ hay gạt bỏ.’

Nhưng Đức Bênêđictô cũng cố gắng để mang lại một nét xanh đặc thù Công giáo, và Đức Phanxicô mới đây cũng cho thấy mình có cùng suy nghĩ như bậc tiền nhiệm.

Trong những lời ngắn gọn với các ký giả trên chuyến bay từ Sarajevo về Roma, Đức Phanxicô đã nói rằng tông thư mới về môi trường sẽ bàn về chủ nghĩa tương đối, một thứ mà ngài xem là ‘khối ung thư của xã hội.’

Chủ nghĩa tương đối là một lập trường triết học cho rằng không có các luật luân lý tuyệt đối, bởi tất cả mọi sự đều tương đối theo hoàn cảnh và cá nhân cụ thể. Nhìn chung, chủ nghĩa tương đối thiên về một luân lý ‘lúc này lúc kia’ trái ngược vói huấn giáo truyền thống Công giáo.

0324POPESsub-articleLargeDường như thật lạ khi Đức Phanxicô dùng một luận văn về môi trường để nói đến một tranh luận về triết học luân lý, nhưng chúng ta có thể hiểu rõ thêm điều này, khi xem xét tâm thức của Đức Bênêđictô XVI.

Với Đức Bênêđictô, chủ nghĩa môi trường thế tục là con đường hứa hẹn để phục hồi một ý thức mạnh mẽ về ‘luật tự nhiên’ nghĩa là khái niệm đúng và sai, sự thật và sai lầm, là những giá trị thật tồn tại trong tự nhiên, và con người có thể khám phá được qua lý luận và lương tâm.

Nhiều tư tưởng gia Công giáo, trong đó có Đức Bênêđictô XVI, lo lắng rằng luật tự nhiên đã bị chủ nghĩa tương đối và chủ nghĩa tích cực hất cẳng, kéo theo ý niệm rằng các luật luân lý được đặt ra do bởi các nhà cầm quyền nhân loại, và do đó, là một thứ được sáng kiến ra chứ không phải do tự nhiên.

Đức Bênêđictô tin rằng chủ nghĩa môi trường đang dẫn nhân loại về lại với ý niệm luật tự nhiên, bởi chủ nghĩa môi trường chứng minh rằng có các giới hạn mà con người không thể nào vượt qua mà không trả giá, và các giới hạn này có thực một cách khách quan và tuyệt đối.

Hồi năm 2007, Đức Bênêđictô đã nói rằng, ‘Tất cả mọi người có thể thấy rằng ngày nay … chúng ta không thể đơn giản làm bất kỳ điều gì mình muốn trên trái đất vốn được trao phó cho chúng ta, chúng ta phải tôn trọng luật tạo dựng nội tại của trái đất này, nếu như còn muốn tồn tại .’

Từ đó, Đức Bênêđictô nói rằng, chúng ta cũng phải học lắng nghe bản tính con người nữa, khám phá các luật luân lý đứng trên cái tôi của chúng ta. Đức Bênêđictô gọi đây là ‘con đường thế tục’ cho việc đào luyện lương tâm.

Những nhận định của Đức Phanxicô về chủ nghĩa tương đối hôm thứ bảy tuần trước, cũng cùng chung một điểm, xem chủ nghĩa môi trường không chỉ là một động cơ xã hội quan trọng, nhưng còn là một điểm huấn giáo luân lý.

Người ta có thể kê ra một loạt nối kết giữa Đức Phanxicô và Đức Bênêđictô. Ví dụ như, tuần này, Đức Phanxicô đã dành một bài giảng lễ ban sáng để nhất quyết rằng Kitô hữu không được hạ giá hay pha loãng chân tính của mình, và cảnh báo về ‘thuyết Bất khả tri hiện đại’ và một ‘tôn giáo nhạt nhẽo chỉ cầu nguyện và ý tưởng.’

Đức Phanxicô nói rằng, xuyên suốt dòng lịch sử cứu độ, Thiên Chúa đã dẫn dắt Giáo hội từng bước một từ ‘mơ hồ’ đến ‘chắc chắn.’ Nhắm mắt lại, và hình dung câu trên, và bạn có thể tin rằng mình đang lắng nghe Đức Bênêđictô XVI nói.

Xét thật sâu, chúng ta thấy sự thay đổi từ Đức Bênêđictô đến Đức Phanxicô, không phải ở lời, nhưng ở nhạc. Bây giờ không phải là những giai điệu của Wagner, nhưng là giai điệu La Tinh hoạt bát, thường dễ nắm bắt hơn.

Ví dụ như, tuần trước, Đức Phanxicô gặp các giám mục Puerto Rico ở Vatican, và có bài nói chuyện lên án hôn nhân đồng tính và ‘thuyết về giống’ bằng những từ ngữ mà chắc hẳn Đức Bênêđictô XVI cũng sẽ dùng. Tuy nhiên, Đức Phanxicô nói những lời này, trong buổi ăn trưa chung với các giám mục, và đùa rằng ‘một ít rượu mềm môi và các cha sẽ cho tôi biết sự thật nhé.’

Sự khác biệt giữa hai giáo hoàng có lẽ ở cách tiếp cận và hiệu quả, chứ không phải ở nội dung. Đức Phanxicô đã thành công trong việc thuyết phục được một loạt người, đặc biệt là những người đang ngoài giáo hội, rằng ngài đánh giá trị các các cảm nghiệm của họ và quan điểm của họ. Ấn tượng này khiến họ có khuynh hướng nắm bắt những lời của ngài với lòng đồng cảm hơn là nghi hoặc.

Nói cách khác, sự nồng ấm không phải chỉ là vỏ bọc và tông giọng. Nhưng, sự nồng ấm đã chuyển thành sức mạnh, nghĩa là năng lực hình thành ý kiến và chiếm được trái tim cũng như cái đầu của những người không dễ gì thuyết phục.

Tông thư Laudato Si, dường như là chương mới nhất, trong mối gắn kết giữa hai giáo hoàng Bênêđictô và Phanxicô, với vấn đề then chốt là liệu cách trình bày lôi cuốn hơn của Đức Phanxicô có một lần nữa tạo sức bật mạnh mẽ cho thông điệp môi trường đời thứ hai này hay không.

J.B. Thái Hòa chuyển dịch