Phụ nữ trong Mùa Phục Sinh ở Vatican

316

rome-vatican.blogs.la-croix.com, Sébastien Maillard, 6-4-2015

Một nét ít được báo chí đề cập đến nhưng lại hiện diện rõ nét trong các nghi thức Phục Sinh ở Vatican, đó là sự quan tâm đến phụ nữ.

Ngày Thứ Năm Tuần Thánh, ở nhà tù Rebibbia, Rôma, Đức Phanxicô đã rửa chân cho 6 phụ nữ, con số tương đương với các nam tù nhân. 6 nam nữ tù nhân mà nhiều người đã khóc khi được vị đại diện của Chúa Kitô quỳ xuống tửa chân. Lau chân và hôn chân. Cách đây hai năm, cũng trong một nhà tù chỉ có hai phụ nữ được rửa chân.

18-1Trong lễ Canh thức Phục Sinh ở Đền thờ Thánh Phêrô, sự hiện diện của phụ nữ còn rõ hơn khi họ lên đọc các bài đọc. Trong số mười tân tòng, họ chiếm đa số, tổng cọng có 6 người, người trẻ nhất là một bé gái 13 tuổi người Cam Bốt được Đức Phanxicô rửa đầu tiên, người lớn tuổi nhất là một bà người Kenya 67 tuổi.

Cũng trong buổi Canh thức này, vai trò của người phụ nữ được Đức Phanxicô nhắc đến trong bài giảng. Trong bài đọc buổi sáng ở ngôi mộ trống. Đức Phanxicô nói, “các nữ môn đệ của Chúa Giêsu đã có thái độ ngược với thái độ của các ông ở trong Nhà Hội, họ quá hãi sợ không dám ra ngoài.” Đứng trước 40 hồng y, trên 30 giám mục và 350 linh mục cùng đồng tế với ngài, Đức Phanxicô đã nhấn mạnh đến những điều mà các phụ nữ này “dạy chúng ta và chúng ta hãy học ở họ”.

18Ngày thứ sau khi đi đàng Thánh giá ở điện Colisée, đến chặng bà Vêrônica lau mặt Chúa, đã có một bài suy niệm về “tinh thần của phụ nữ”. Qua ngòi bút của giám mục Renato Corti, người được Đức Phanxicô chỉ định để soạn các bài đọc để đi Đàng Thánh Giá, phụ nữ đã được nêu cao ở đây vì “chỗ đứng quan trọng” của họ: “Họ đã tham dự cuộc khổ nạn cùng với Chúa và các Tông đồ. Một vài người trong số họ là những người đầu tiên đi loan báo Chúa sống lại”.

Và cuối cùng, trong phần kết thúc thông điệp của Đức Phanxicô, trước khi ban phép lành cho Rôma và thế giới, Đức Phanxicô đã nói với “tất cả những người đàn ông và tất cả những người đàn bà có thiện tâm”. Ngài thêm vào “những người đàn bà có thiện tâm” vào thành ngữ thường quen dùng “tất cả mọi người có thiện tâm” nhằm chỉ chung cho hai giới.

Những chi tiết tuy rất nhỏ này nhưng lại rất đáng kể vì nó nằm trong phần nghi lễ quan trọng nhất của năm phụng vụ, nói lên quyết tâm của giáo hoàng muốn thay đổi cái nhìn của Giáo hội về phụ nữ, ít nhất cho đến bây giờ, ngài muốn thay đổi tận căn vai trò này.

Sau kinh Truyền Tin ngày 8 tháng 3, ngài nhân cơ hội ngày Quốc tế Phụ nữ để nói lên mong chờ của ngài đối với họ cho Giáo hội và cả ở ngoài Giáo hội: “Một thế giới mà phụ nữ bị loại ra bên lề là một thế giới khô cằn vì phụ nữ không những mang đến sự sống mà còn truyền đạt được khả năng để nhìn ra bên ngoài, họ truyền cho chúng ta khả năng để hiểu thế giới với một con mắt khác, để cảm nhận sự việc với một tâm hồn sáng tạo hơn, kiên nhẫn hơn, dịu dàng hơn.”

Đầu năm, trong cuộc gặp gỡ với người trẻ Phi Luật Tân, ngài đã tuyên bố: “Phụ nữ biết nhìn sự việc với một cái nhìn khác hơn cái nhìn của người đàn ông. phụ nữ biết đặt những vấn đề mà đàn ông chúng ta không tài nào hiểu.”

Các nhà nữ quyền bực bội cách mà giáo hoàng mô tả phụ nữ. Có người còn đòi nên có nhiều hành động hơn là nói những lời hay đẹp. Chính ngài còn yêu cầu người Phi Luật Tân: “Lần sau khi giáo hoàng đến Phi Luật Tân sẽ có nhiều phụ nữ lên phát biểu hơn!”. Chắc chắn trong Tuần Tam Nhật Phục Sinh năm tới, sẽ có sự tham dự của nhiều phụ nữ hơn.

Marta An Nguyễn chuyển dịch